Hướng dẫn nấu ăn muốn giỏi phải học. Theo Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, dự báo đến năm 2015, nhu cầu sử dụng lao động của ngành du lịch cần thêm khoảng 620.000 người, trong đó lao động nghề bếp chiếm 8% (tương đương với 50.000 người). Chỉ tính riêng tại TPHCM hiện nay đã có gần 1.700 nhà hàng, khách sạn và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, hiện nay “cung không đủ cầu”, nguồn đầu bếp tại các nhà hàng, khách sạn hầu hết đều không qua trường lớp đào tạo bài bản mà chủ yếu là “tự học là chính” hoặc thông qua các lớp bếp gia đình, trong khi đó các nhà hàng, khách sạn thì đòi hỏi đội ngũ nhân lực đầu bếp “chất lượng cao”; họ thường xuyên “săn” những đầu bếp chuyên nghiệp. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp bắt buộc học viên phải trải qua trường lớp đào tạo bài bản.
Học viên được đào tạo bài bản
Nhiều người cho rằng, nghề đầu bếp đơn giản chỉ là chế biến món ăn, điều này đúng nhưng chưa đủ. Một đầu bếp chuyên nghiệp hoàn toàn khác biệt với một người nội trợ thông thường. Họ phải được đào tạo kiến thức ẩm thực cơ bản, thành thạo các kỹ năng, phương pháp chế biến món ăn. Một điều quan trọng nữa là người đầu bếp cũng có vai trò như một bác sĩ dinh dưỡng, nghĩa là có kiến thức cơ bản về ẩm thực, biết cách phối hợp nguyên liệu, các phương pháp chế biến để món ăn giàu dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, người đầu bếp phải luôn thay đổi cách chế biến để mang đến sự mới mẻ cho thực khách. Đặc biệt, trong nghề bếp, đứng ở vị trí cao nhất là bếp trưởng thì kỹ năng về chế biến món ăn, kiến thức về ẩm thực và quản lý được đặt lên hàng đầu.
Tóm lại, với đặc trưng nghề nghiệp, người đầu bếp đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, khéo léo, sáng tạo không khác gì người nghệ sĩ và người nghệ sĩ này ngoài “khả năng trời phú” ra còn phải không ngừng học hỏi và rèn luyện mới có thể trở thành đầu bếp chuyên nghiệp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét